Thoải mái nghỉ ngơi - Tuyệt vời cuộc sống !


Đến trường trong tấm áo mong manh

Thứ bảy, 08/08/2015, 08:53 GMT+7
TT - Lên vùng miền núi biên giới Việt - Lào của tỉnh Quảng Bình khi cái lạnh tê tái của mùa đông đang bao phủ làng bản, chúng tôi thắt lòng khi thấy những đứa trẻ với chiếc áo mỏng manh và đôi chân trần tím tái trong giá rét.
Những đứa trẻ ở bản Dộ (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đến trường với chiếc áo mỏng manh trong mùa giá rét - Ảnh: Ngọc Dương

Những đứa trẻ ấy vẫn sáng đến trường, chiều vác gùi lên rẫy nhổ sắn, kiếm củi hoặc chăm em giúp bố mẹ. Không nhìn thấy một dấu hiệu gì cho thấy tết đang đến gần ở vùng miền núi này.

Kiếm cơm từng bữa

Tụt xuống con dốc cao ngất trên tuyến đường độc đạo dẫn vào bản Ón, bản của đồng bào Rục thuộc xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), đập ngay vào mắt chúng tôi là hình ảnh hai đứa trẻ cõng nhau đứng co ro nơi góc đường.

Đó là cô bé Cao Thị Giang, học sinh lớp 4 tại điểm trường bản Ón, thuộc Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa. Chân Giang lấm lem bùn lầy vì không có dép. “Em khóc vì đói sữa nên cháu cõng ra đây đứng chơi cho em quên đói” - cô bé nói lí nhí vì lạ lẫm.

Giang 10 tuổi nhưng đen nhẻm và nhỏ như học sinh lớp 1. Trời rét, Giang chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng tang ố vàng. Đứa em trai của Giang mới hơn 6 tháng tuổi thi thoảng lại đưa hai bàn tay tím tái bấu vào vai chị vì lạnh.

Theo Giang đi qua một đoạn đường lấm lem bùn đất về nhà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ngôi nhà trống hoác, không thấy bất cứ vật dụng gì ngoài hai chiếc xoong lăn lóc nơi góc bếp. Hỏi Giang đã ăn cơm trưa chưa, em chỉ vào chiếc rá đựng cơm nguội và bên cạnh là một nắm rau rừng.

Thầy Trần Văn Bun, hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa, cho hay cả trường có 148 học sinh thì hết 139 em thuộc hộ nghèo. Cha mẹ các em suốt ngày ở trong rừng để lo kiếm cơm từng ngày. “Ở đây tết nhất chẳng có gì đâu” - thầy Bun nói.

Ngồi học, người run bần bật...

Ngược theo tuyến quốc lộ 12 chúng tôi tìm lên Trường Dân tộc nội trú tiểu học và THCS Trọng Hóa 2, thuộc xã biên giới Trọng Hóa (huyện Minh Hóa).

Theo giới thiệu của cán bộ huyện đoàn Minh Hóa, đây là điểm trường “hai nhất”: đông nhất và khó khăn nhất. Để đến được trường phải vượt qua 10km đường rừng với những ngọn núi cao vời vợi. Đó là chưa kể những điểm lẻ của trường còn xa hơn nhiều.

Thầy Nguyễn Đại Khờn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết toàn trường có 592 học sinh thì gần hết là con em hộ nghèo. Học sinh ở điểm chính khổ một thì học sinh ở các điểm lẻ khổ gấp mấy lần.

Trên sân trường, những đứa trẻ với đôi chân trần và tấm áo mỏng manh run rẩy trước gió lạnh. Cô giáo Cao Thị Hồng Chuyên tâm sự: “Các em chỉ có vài ba tấm áo sờn cũ để đến trường. Nhìn các em ngồi học chân tay tím tái, người run bần bật mà ứa nước mắt!”.

Cô Chuyên cho biết mấy hôm nay vì trời quá rét nên nhiều em đã nghỉ học, thầy cô phải đến từng nhà vận động các em đến lớp. Ông Đinh Xuân Tiến, chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, cho biết xã đang kêu gọi các nhà hảo tâm trong tỉnh quyên góp áo ấm để giúp các em có thể đến lớp.

Một cán bộ biên phòng dẫn chúng tôi vào điểm trường tại bản Dộ nằm lọt dưới thung lũng. Già làng Hồ Búng (ở bản Lòm) dẫn bốn đứa con gần bằng tuổi nhau đến trường. Nhà ông Hồ Búng là hộ nghèo ở bản này. Ngôi nhà sàn mà cả nhà đang ở thủng tứ bề, ở tường bên trái ông Búng phải dùng tấm bạt che bên ngoài lớp bìa gỗ.

“Mấy hôm nay trời lạnh nên tui phải che tạm cho gió khỏi lùa vô. Người lớn thì quen rồi, chỉ tội mấy đứa nhỏ” - ông Búng nói.

Cũng như bao gia đình người Mày khác ở Trọng Hóa, hai vợ chồng ông Hồ Búng chỉ biết sống nhờ rừng rẫy. Xong mùa rẫy, hai vợ chồng xách dao lên rừng kiếm củi hoặc lấy mây về bán kiếm tiền, nhưng cũng không đủ cơm gạo cho con ăn.

Bà Hồ Thị Phẩu, vợ ông Búng, nói nếu không có gạo hỗ trợ của Nhà nước thì chắc hai vợ chồng cũng chẳng biết làm sao đủ gạo nuôi con. Hồi đầu năm học, vợ chồng cũng định bụng cho hai đứa con lớn nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ đi rừng kiếm cái ăn, nhưng bàn lui bàn tới cuối cùng vẫn quyết để cho tất cả đi học.

Nhắc đến tết, ông Hồ Búng cười buồn: “Sắp tết rồi à. Không biết có mua được gói kẹo cho bầy con không nữa”.

Góp những phần quà đầu tiên

Sáng 11-1, ông Lâm Tấn Lợi, chủ doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi, cùng vợ đến báo Tuổi Trẻ góp 300 suất quà tết tặng các học sinh miền biên giới (trị giá 120 triệu đồng).

Hai vợ chồng ông vừa trở về từ chuyến đi thăm huyện miền núi Trạm Tấu (Yên Bái), mang theo nhiều trăn trở về sự nghèo khó, vất vả của đồng bào nơi đây với hình ảnh những con đường heo hút, những đứa bé chân trần, quần áo mỏng manh trong gió lạnh...

“Tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta, ai khá hơn thì giúp người không bằng mình. Việc chăm lo cho trẻ em được tới trường, ăn đủ no mặc đủ ấm là điều rất quan trọng, bởi không ai khác những đứa trẻ này chính là tương lai của những vùng quê ấy” - ông Lợi chia sẻ.

Có lẽ cùng suy nghĩ như ông Lợi, bác sĩ Nguyễn Hữu Quốc (khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhân Dân Gia Định) mỗi dịp gần tết lại tìm nơi gửi quà cho các em nhỏ vùng cao. Lần này ông vừa góp 4 triệu đồng vào chương trình “Tết cho học sinh biên cương”.

Trước khi đi học nghề y, ông từng là bộ đội đóng quân ở đồn biên phòng 448 Bình Thuận và đứng một lớp xóa mù chữ cho cư dân nơi đây. Câu chuyện về hai chị em chỉ có chung một chiếc quần để mặc đi học khiến ông nhớ mãi.

Ông chia sẻ: “Tôi ước mình có thể làm được nhiều hơn cho những miền quê này. Tôi mong muốn ánh sáng tri thức và những chính sách đúng đắn của Nhà nước mình đến với đồng bào nhiều hơn. Đời sống người dân đủ đầy, được chăm lo tốt thì cả miền biên cương sẽ thêm vững chãi”.

Trong cái hối hả của những ngày cuối năm, câu chuyện về những đứa trẻ vùng biên giới “không biết tết là gì” khiến nhiều người chạnh lòng và mong muốn cùng góp một tay để lo cho các em một cái tết ấm áp hơn. Và gần 200 triệu đồng từ tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã đến với chương trình sau vài ngày phát động.

Theo Báo Tuổi Trẻ Ngày 12-01-2015

BÁN HÀNG 1

0933 888 888

BÁN HÀNG 2

0934 888 888

KỸ THUẬT

0903 030303